Những bông hoa tươi thắm khoe sắc khắp bốn mùa không chỉ làm đẹp cho đời, tô điểm cho cuộc sống thêm lung linh mà còn có nhiều công dụng và giá trị trên cả tuyệt vời. Hoa làm thuốc chữa bệnh, hoa bào chế làm mỹ phẩm, đặc biệt hoa làm nguyên liệu cho món ăn. Món ăn đã đậm đà mà hoa còn đẹp thì chỉ muốn thưởng thức ngay và luôn đúng không nào. Dưới đây Vietnam Booking xin giới thiệu đến bạn các món ngon được làm từ những loài hoa đặc trưng của từng vùng miền nước ta như miền Bắc, miền Tây. Note ngay vào sổ tay để khi du lịch đến miền Tây sông nước hay Tây Bắc hùng vỹ thì tìm lại và thưởng thức nhé.
Hoa đặc trưng miệt sông nước
Hoa điên điển
Hoa điên điển được người miền Tây gọi với các tên thân thương là “bông vàng” hay “bông điên điển”. Hoa có màu vàng đặc trưng, thường nở rộ vào khoảng tháng 9, tháng 10, khi con nước từ thượng nguồn Mê Kông đổ về. Từ Đồng Tháp đến Cần Thơ, An Giang, Cà Mau,… đi tới đâu bạn cũng có thể thấy sự diện diện của loài hoa này.
Canh chua bông điên điển là món ăn gắn liền với dân miền tây sông nước - Ảnh sưu tầm
Hoa điên điển có thể xào với tép đồng, làm gỏi hay nấu cánh chua. Món ăn được nhiều người đánh giá là ngon nhất với hoa điên điển có lẽ là lẩu cá linh bông điên điển. Những con cá béo mềm thơm ngọt cùng những bông hoa vàng tươi đăng đắng kết hợp cùng vị chua của me càng làm tăng hương vị đặc trưng của món ăn miệt vườn sông nước.
Hoa súng
Hoa súng là loại hoa rất quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt ở miền Tây và miền Trung. Nhưng ngon nhất có lẽ ở vùng sông nước Nam bộ. Đến miền Tây mùa nước nổi, hình ảnh quen thuộc mà bạn hay thấy trên những cánh đồng nước mênh mông chính là những chiếc thuyền ba lá rẽ con nước chở đầy hoa súng.
Hoa súng có thể chế biến thành nhiều món như gỏi, nấu canh chua hay luộc chấm mắm kho. Mỗi món ăn sẽ mang một mùi vị đặc trưng nhưng chung quy đều có vị ngọt và bùi của loài hoa tuyệt đẹp này.
Bông súng có vị giòn, ngọt, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể - Ảnh sưu tầm
Du lịch trong nước đến Cần Thơ, An Giang hay Cà Mau mà được thưởng thức các món làm từ hoa súng thì phải nói không còn gì hối tiếc. Ăn thử một lần bạn sẽ muốn ăn hoài hoài, hương vị nồng đượm như cái tình của người miền Tây ấy sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Hoa so đũa
Nghe tên khá lạ nhưng đây là loài hoa rất nổi tiếng ở mảnh đất giàu phù sa. So đũa có màu trắng hoặc tím đỏ, thường nở rộ từ tháng 8 đến tháng 12 – mùa nước nổi. Để hoa được tươi ngon, người ta thường đi hái hoa vào sáng sớm, lúc sương đêm còn chưa tan trên những cánh hoa.
Bông so đũa mà nấu chung với cá đồng là ngon phải biết - Ảnh: Internet
Người dân miền Tây thường dùng hoa so đũa chế biến thành nhiều món chỉ nghe tên là thấy hấp dẫn như: so đũa nấu canh chua, so đũa nấu với cá rô đồng, cá lóc hoặc cá linh. Vị nhăn nhẵn trong từng cánh hoa so đũa hòa quyện vào vị ngọt tươi của cá đồng khiến hương vị món ăn rất lạ miệng, nhưng bạn càng ăn càng thấy ghiền.
Hoa của núi rừng
Hoa ban
Hoa ban có ở khắp vùng núi Tây Bắc nhưng nhiều nhất là ở Điện Biên. Loài hoa này thường nở vào cuối xuân (đầu tháng 3 dương lịch). Ít ai biết rằng những đóa hoa mỏng manh mang sắc trắng tinh khôi hoặc phơn phớt tím ấy lại có thể chế biến thành những món ăn thơm ngon, độc đáo.
Hoa ban có thể dùng để xào măng đắng, vị đắng của măng sẽ nhờ cái ngọt bùi của hoa ban làm dịu và ngon hơn. Hoa ban còn dùng để nấu canh, hầm móng giò, làm nộm, xào thịt lợn rừng cực hấp dẫn. Mùa hoa ban đến rồi, du lịch Điện Biên đừng quên thưởng thức nhé.
Không chỉ dùng để chế biến trà, hoa atiso còn dùng làm nguyên liệu cho một số món - Ảnh: Internet
Hoa Atiso
Atiso được trồng nhiều ở những vùng núi cao như Đà Lạt, Tam Đảo, Sapa. Ngoài công dụng làm thuốc, giải nhiệt thì atiso còn có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn, tốt cho sức khỏe như nấu canh, hầm với xương ống. Thưởng thức một bát canh atiso nóng hổi, thơm ngào ngạt dưới tiết trời se lạnh thì còn gì tuyệt bằng.
Du lịch giá rẻ đến Đà Lạt hay Tam Đảo nhớ thưởng thức các món ấy bạn nhé.