Visa Schengen quá cảnh tại sân bay

Visa (thị thực) quá cảnh là giấy phép mà công dân một số nước cần có để quá cảnh tại khu vực quốc tế tại sân bay, trong khi máy bay tiếp liệu hoặc khi phải chuyển máy bay. Visa này không cho phép nhập cảnh vào khối Schengen và chỉ có thể được cấp trong trường hợp bạn phải di chuyển giữa hai sân bay không thuộc khối Schengen và chỉ quá cảnh tại một sân bay thuộc khối Schengen.

Visa quá cảnh sân bay cho phép quá cảnh qua khu vực quốc tế của bất cứ sân bay nào nằm trong lãnh thổ Schengen, với điều kiện không được đi quá giới hạn của khu vực nói trên, vì nếu đi quá khu vực này, bạn sẽ phải xin thị thực đồng nhất (thị thực Schengen loại C).

visa schengen qua canh tai san bay

Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu điểm đến của bạn là một nước khác thuộc khu vực Schengen, lúc này bạn sẽ phải xin thị thực đồng nhất tại lãnh sự quán của nước đích đến. Thị thực đồng nhất này sẽ cho phép bạn thực hiện các việc quá cảnh cần thiết qua các sân bay trong lãnh thổ Schengen để đến nước cuối cùng cũng nằm trong lãnh thổ này.

Visa quá cảnh sân bay là visa Schengen loại A, được điều chỉnh bởi luật cộng đồng (Liên minh Châu Âu), theo đó thị thực này được phép sử dụng tại bất cứ sân bay nào của các nước thành viên thuộc lãnh thổ Schengen.

Khác biệt giữa quá cảnh sân bay và cư trú với mục đích quá cảnh

Quá cảnh sân bay là việc vào khu vực quá cảnh quốc tế của sân bay mà không lúc nào rời khỏi khu vực này. Thị thực quá cảnh sân bay (thị thực loại A) sẽ được cấp cho trường hợp này.

Ví dụ: một công dân Nigeria đi từ Lagos (Nigeria) đến Matx-cơ-va (Nga) qua Frankfurt (Đức). Người này chỉ ở trong khu vực quá cảnh quốc tế của sân bay Frankfurt, và do vậy sẽ được cấp thị thực quá cảnh sân bay.

Cư trú với mục đích quá cảnh, hoặc quá cảnh lãnh thổ, bao gồm việc nhập cảnh vào lãnh thổ một nước để đi đến một nước thứ ba. Trong trường hợp này sẽ áp dụng cấp thị thực đồng nhất, nghĩa là thị thực ngắn hạn (thị thực loại C) cho phép lưu hành tự do trong toàn bộ lãnh thổ Schengen. Tình huống này có thể xảy ra khi:

- Mặc dù không rời khỏi sân bay nhưng có đi qua giới hạn của khu vực quá cảnh quốc tế.

Ví dụ: một công dân Việt Nam đi từ Việt Nam qua sân bay Paris Charles-deGaule để đến New York, và tại Paris người này có ra sảnh chính để gặp người thân sống tại đó trong vòng vài giờ trước khi lên máy bay đi New York. Đây là trường hợp quá cảnh lãnh thổ, vì người này đã rời khỏi khu vực quá cảnh quốc tế của sân bay. Tương tự, trường hợp người này ở lại một hoặc vài đêm tại Paris trước khi bắt máy bay đi New York cũng được coi là quá cảnh lãnh thổ.

Trong cả hai trường hợp trên Lãnh sự quán (Pháp) phải cấp cho người này thị thực đồng nhất, mà không phải là thị thực quá cảnh sân bay.

- Khi liên tiếp quá cảnh các sân bay trong lãnh thổ Schengen.

Ví dụ: một công dân Nigeria đi từ Lagos đến Montreal (Canada) qua Bru-xen (Bỉ) và Paris (Pháp). Chuyến bay giữa Bru-xen và Paris là chuyến bay nội khu vực Schengen, và vì lý do này đương sự sẽ nhập cảnh vào trong lãnh thổ các nước thành viên Schengen tại Bru-xen và Lãnh sự quán (Bỉ) phải cấp thị thực đồng nhất cho đương sự mà không phải là thị thực quá cảnh sân bay.

- Khi đổi sân bay

Ví dụ: một công dân Sri Lanka đi từ Colombo đến sân bay Charles De Gaulle của Paris. Từ Paris người này sẽ tiếp tục đi máy bay đến Mexico, xuất phát từ sân bay Orly cũng của Paris. Khi chuyển sân bay tại Paris, đương sự nhập cảnh vào lãnh thổ các nước thành viên, do đó Lãnh sự quán (Pháp) phải cấp thị thực đồng nhất cho đương sự mà không phải là thị thực quá cảnh sân bay.

Nộp hồ sơ như thế nào?

Đương đơn đích thân nộp hồ sơ tại cơ quan lãnh sự của nước đích đến. Các cơ quan lãnh sự sẽ không xem xét hồ sơ gửi qua đường bưu điện, fax hay thư điện tử.

Hẹn nộp hồ sơ

Đơn xin thị thực chỉ được chấp nhận khi đã thực hiện việc lấy hẹn qua số điện thoại cơ quan lãnh sự (từ thứ hai đến thứ sáu, chỉ áp dụng cho các cuộc gọi từ Việt Nam)

Thông tin cần biết

  • Tất cả giấy tờ bằng tiếng Việt phải kèm theo bản dịch sang tiếng Pháp hay tiếng Anh.
  • Các bản sao phải là cỡ giấy A4.
  • Không chấp nhận văn bản là fax hay e-mail.
  • Tổng lãnh sự quán Pháp có quyền yêu cầu cung cấp thêm một số giấy tờ bổ sung.
  • Việc cung cấp đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu không bảo đảm rằng thị thực chắc chắn sẽ được cấp.
  • Hồ sơ xin thị thực phải nộp sớm nhất 3 tháng hay trễ nhất 15 ngày trước ngày dự định đi.

Danh sách giấy tờ cần cung cấp:

  1. Mẫu đơn xin visa Schengen: điền rõ ràng, ghi ngày và ký tên
  2. 01 hình thẻ đáp ứng các tiêu chí: ảnh chụp phần đầu của đương đơn, chụp từ phía trước mặt, chụp gần thời điểm nộp đơn, người trong hình giống người thực, khổ hình 3.5 cm x 4.5 cm, là hình màu trên nền trắng, đầu để trần.
  3. Hộ chiếu có hiệu lực, được cấp không quá 10 năm, còn giá trị ít nhất 3 tháng sau ngày rời khỏi lãnh thổ các nước thành viên Shengen, còn ít nhất 2 trang trắng : Nộp bản chính và bản sao tất cả các trang.
  4. Giấy xác nhận đặt vé máy bay cho toàn bộ chặng đường, từ quốc gia khởi hành đến quốc gia cần đến.
  5. Visa của quốc gia cần đến (nếu có).
  6. Lệ phí hồ sơ: trả bằng tiền mặt bằng VND tương đương với 60 EUR. Lệ phí hồ sơ không được hoàn lại trong trường hợp từ chối cấp visa
Vietnam Booking 15:47 31/12/2015 | 1199 lượt xem
Liên hệ qua Zalo Liên hệ qua messenger Liên hệ qua Whatsapp