Giải đáp câu hỏi về Thị thực di dân Hoa Kỳ

1. Cần phải làm gì nếu muốn hủy hồ sơ bảo lãnh?

Để hủy hồ sơ bảo lãnh, người bảo lãnh phải nộp cho Lãnh sự thư bản gốc có công chứng yêu cầu huỷ hồ sơ. Khi nhận được thư, Lãnh sự sẽ ngừng giải quyết và trả hồ sơ đó về Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS).

2. Nếu đương đơn chính qua đời thì hồ sơ của các đương đơn phụ thuộc sẽ như thế nào?

Nếu đương đơn chính qua đời trước khi đương đơn phụ thuộc (đi theo) được định cư ở Hoa Kỳ, viên chức Lãnh sự không thể cấp thị thực cho đương đơn phụ thuộc. Việc cứu xét nhân đạo không áp dụng cho trường hợp này.

3. Nếu tôi hay người thân của tôi không thể xin được hộ chiếu Lãnh sự có thể giúp đỡ không?

Lãnh sự quán Hoa Kỳ không thể giúp đỡ công dân Việt Nam trong việc xin hộ chiếu. Việc cấp hộ chiếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam. Lãnh sự quán Hoa Kỳ không thể can thiệp vào tiến trình này.

4. Có thể được phỏng vấn trước khi ngày ưu tiên hồ sơ đến lượt giải quyết không?

Lãnh sự quán Hoa Kỳ không thể giải quyết tiến trình xin thị thực cho các hồ sơ chưa đến lượt giải quyết. Không có điều luật nào cho phép giải quyết hồ sơ chưa đến lượt, cho dù vì lý do nhân đạo. Chỉ khi hồ sơ đến lượt giải quyết mới được xếp lịch phỏng vấn.

thi thuc di dan hoa ky

5. Hồ sơ của tôi có thể được giải quyết nhanh và được xếp lịch phỏng vấn sớm không?

Do số lượng hồ sơ phải giải quyết rất nhiều và để đảm bảo công bằng cho tất cả các đương đơn, cơ quan lãnh sự không thể xếp lịch phỏng vấn ngoài trật tự bình thường, trừ trường hợp hồ sơ có lý do khẩn cấp cần được sang Hoa Kỳ sớm. Nếu có lý do khẩn cấp, bạn hãy thư yêu cầu giải quyết nhanh hồ sơ kèm theo những bằng chứng để chứng minh lý do xin giải quyết khẩn để được xem xét.

6. Tôi có thể được thông báo ngày phỏng vấn qua thư điện tử không?

Cơ quan lãnh sự không thể gửi thông báo về phỏng vấn của đương đơn qua thư điện tử. Theo quy định chung được áp dụng toàn cầu, đương đơn được thông báo về phỏng vấn bằng thư gửi qua đường bưu điện.

7. Tôi có cần phải dịch các giấy tờ cá nhân để chuẩn bị cho phỏng vấn xin visa không?

Có. Tất cả các loại giấy tờ không bằng tiếng Anh cần phải được đính kèm bản dịch tiếng Anh có công chứng (ghi rõ “Bản dịch chính xác do văn phòng/ người có chức năng dịch thuật” thực hiện).

8. Làm thế nào để xin giấy Lý lịch Tư Pháp số 2?

Nếu sống ở thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể liên hệ Sở Tư Pháp tại địa chỉ số 143 Pasteur, quận 1, TPHCM. Bạn hay người thân có thể đại diện xin cấp giấy Lý lịch Tư Pháp số 2. Loại giấy tờ này cũng có thể xin cấp tại Sở Tư Pháp địa phương nơi đăng ký trên Hộ khẩu.

9. Người mở hồ sơ bảo lãnh cho tôi hiện không làm việc? Người đó có cần phải nộp đơn Bảo trợ Tài chính không?

Người bảo lãnh cần phải nộp đơn Bảo trợ Tài chánh I-864 theo điều khoản 213A của luật Di trú và Nhập tịch. Nếu không có mẫu đơn bảo trợ tài chánh của người bảo lãnh, viên chức Lãnh sự không thể cấp thị thực cho bạn. Quy định này áp dụng cho tất cả các trường hợp, ngay cả khi người bảo lãnh không làm việc hay làm việc nhưng không đủ thu nhập bảo lãnh tài chính. Trong trường hợp này, người bảo lãnh cần có thêm người cùng tài trợ hồ sơ. Người cùng tài trợ sẽ làm mẫu đơn I-864, hoặc nếu ở cùng nhà với người bảo lãnh thì sẽ làm mẫu Form I-864A.

Các mẫu I-864 hay I-864A đều phải được đi kèm với bằng chứng về tình trạng cư ngụ hợp pháp tại Hoa Kỳ (bản sao khai sinh, hộ chiếu, giấy nhập tịch, thẻ thường trú nhân, giấy thuế hoàn chỉnh của năm gần nhất), bằng chứng về công việc hiện thời (giấy lãnh lương, giấy xác nhận việc làm có ghi mức lương). Nếu người bảo lãnh không làm việc, điều đó cần được thể hiện trên đơn I-864 của người bảo lãnh.

10. Tôi bệnh Viêm gan Siêu vi B. Vậy, tôi có được cấp thị thực di dân không?

Viêm gan Siêu vi B không phải là bệnh khiến bạn không đủ điều kiện được cấp thị thực (dựa trên lý do sức khỏe). Tuy nhiên, tất cả các đương đơn xin thị thực được yêu cầu phải chứng minh được mình sẽ không trở thành gánh nặng xã hội Mỹ. Viên chức phỏng vấn sẽ xem xét hồ sơ sức khỏe tại buổi phỏng vấn. Nếu viên chức Lãnh sự cần thêm thông tin, bạn sẽ nhận được yêu cầu bằng thư ghi rõ những giấy tờ nào cần nộp.

11. Nếu không thể nộp một loại giấy tờ nào đó mà Lãnh sự yêu cầu thì cần phải làm gì?

Nếu bạn không cung cấp được thông tin mà viên chức phỏng vấn yêu cầu, bạn cần nộp thư giải thích nêu rõ lý do tại sao không thể thực hiện yêu cầu. Viên chức lãnh sự sẽ xét duyệt hồ sơ sau khi bạn nộp thư giải thích.

12. Đơn xin thị thực của tôi bị từ chối và hồ sơ bảo lãnh đã bị trả về Sở Di Trú Hoa Kỳ xem xét hoặc có thể huỷ bỏ. Nhưng mối quan hệ bảo lãnh giữa chúng tôi là thật. Tôi có thể làm gì?

Ngay cả khi bị trả về Sở Di Trú, hồ sơ bảo lãnh cũng không tự động bị hủy bỏ. Người bảo lãnh sẽ có cơ hội chứng minh với Sở Di Trú khi Sở Di Trú xem xét hồ sơ. Sở Di Trú có quyền tái chấp thuận hồ sơ bảo lãnh. Nếu muốn khiếu nại hồ sơ bị từ chối, người bảo lãnh có thể liên hệ Sở Di Trú nơi mở hồ sơ trước đây. Lưu ý phải mất vài tháng Sở Di Trú mới nhận được hồ sơ trả về từ Lãnh sự.

13. Chúng tôi là đương đơn của hồ sơ thị thực diện cha/mẹ của công dân Hoa Kỳ (IR-5). Con dưới tuổi thành niên của chúng tôi có thể đi theo chúng tôi được không?

Không. Không có điều luật nào trong luật Di trú Hoa Kỳ cho phép giải quyết sớm các hồ sơ bảo lãnh cho con của các đương đơn diện IR-5. Tương tự, không có luật định nào cho phép con nhỏ đi cùng với hồ sơ của cha/mẹ là đương đơn điện IR-5.

(Theo website Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ)

Vietnam Booking 09:53 23/01/2022 | 35 lượt xem