Vào khoảng cuối tháng 1 năm 2018, dân tình mạng xôn xao với tin một khách hàng phản ánh về việc đơn vị đặt phòng khách sạn trực tuyến đã làm lộ thông tin thẻ tín dụng của anh cho khách sạn. Điều đáng lo ngại là mọi thông tin thẻ quan trọng nhất, bao gồm cả mã bảo mật CVV (hoặc CVC), đều được in ra giấy và bất kì ai cũng có thể đọc được.
Liệu đặt phòng trực tuyến có bảo mật thông tin? - Ảnh: Internet
Sau sự việc này, rất nhiều khách hàng lo lắng không biết có nên tiếp tục sử dụng các dịch vụ đặt phòng trực tuyến hay không khi thông tin cá nhân của mình có vẻ như có thể bị lộ bất kì lúc nào. Vậy trên thực tế, thông tin khách hàng có thực sự được bảo mật hay không?
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT VÀ THỎA THUẬN GIỮA CÁC BÊN
Đối với các đơn vị hoạt động hợp pháp và có uy tín thì chính sách bảo mật cho khách hàng là một trong những yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, phải tùy thuộc vào loại hình dịch vụ mà các thông tin của khách hàng sẽ được bảo mật theo những cách khác nhau.
Về phía khách sạn
Trong danh mục các chính sách của khách sạn, kể cả khách sạn giá rẻ luôn có mục Chính sách bảo mật (hoặc Chính sách về quyền riêng tư toàn cầu) được thiết lập dựa trên quy định của pháp luật. Trong danh mục này họ sẽ đề cập chi tiết đối tượng được bảo vệ là ai, những thông tin gì sẽ được bảo vệ và họ sẽ sử dụng những thông tin đó như thế nào.
Thông tin của bạn được sử dụng theo quy định pháp luật - Ảnh: Internet
Theo những nội dung trong đề mục này thì thông tin của bạn chỉ được phép lưu trữ trong các thiết bị của khách sạn, chỉ có nhân viên khách sạn mới được biết và được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động nhất định. Bên cạnh đó, đối với những Thông Tin Cá Nhân Nhạy Cảm khách sạn sẽ đặt mức bảo mật cao hơn và hạn chế tối thiểu số nhân viên được tiếp cận thôn tin này.
Khách sạn buộc phải hợp tác với cảnh sát khi được yêu cầu - Ảnh: Internet
Thế nhưng, sẽ có một vài trường hợp cụ thể mà khách sạn buộc phải tiết lộ thông tin cá nhân cho bên thứ ba mà không thể nhận được sự đồng ý từ bạn trước. Có thể kể đến như khi cảnh sát hoặc tòa án yêu cầu hợp tác, đơn vị bị thu mua bởi công ty khác, các đại lý và nhà cung ứng liên quan,…
Về phía đơn vị trung gian
Trong những năm gần đây, các mô hình dịch vụ lữ hành trực tuyến hay Online Travel Agency (OTA) ngày càng phổ biến và được nhiều người tin dùng hơn. Họ sẽ thay bạn đứng ra thực hiện giao dịch với phía khách sạn và hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi bạn đến nhận phòng.
Các dịch vụ trung gian cũng phải thực hiện bảo mật thông tin – Ảnh: Internet
Cũng chính vì ở trung gian nên họ cũng có cơ sở dữ liệu lưu trữ các thông tin cá nhân mà khách hàng cung cấp để thực hiện việc giao dịch do đó, chính sách bảo mật cũng là yêu cầu bắt buộc mà tất cả các OTA phải có.
Về phía các bên liên quan
Ngoài bên trung gian và khách sạn thì có những trường hợp thông tin của bạn phải đi qua những bên trung gian như ngân hàng, người chuyển phát, các nền tảng online như Google, nhà hàng, các nhà cung cấp dịch vụ hợp tác cùng khách sạn,….
Khách sạn sẽ dùng thông tin cá nhân để giúp bạn đặt tour - Ảnh: Internet
Tuy nhiên, các đơn vị trung gian và khách sạn có trách nhiệm lựa chọn và hợp tác cùng các bên thứ ba có chính sách bảo mật tương đương hoặc cao hơn nhằm đảm bảo thông tin khách hàng được giữ kín cũng như chỉ dùng cho mục tiêu cung cấp dịch vụ.
TỰ BẢO VỆ CHÍNH MÌNH LÀ TRÊN HẾT
Dù cho có bao nhiêu chính sách bảo mật thì trên hết vẫn là bạn chủ động bảo vệ các thông tin cá nhân của mình. Do đó, trước khi sử dụng bất kì loại hình dịch vụ nào, bạn nên:
Lựa chọn những đơn vị uy tín
Chọn thương hiệu uy tín sẽ giảm bớt nguy cơ bị lộ thông tin - Ảnh: Internet
Tốt nhất bạn nên sử dụng dịch vụ của những công ty đã có thương hiệu đàng hoàng, được nhiều người đánh giá tốt về chất lượng và đảm bảo được tính minh bạch nhằm hạn chế khả năng bị rò rỉ thông tin.
Đọc kĩ tất cả các chính sách của đơn vị đó
Luôn đọc cẩn thận các chính sách, quy định - Ảnh: Internet
Rất nhiều người bỏ qua việc đọc kĩ các chính sách của đơn vị vì nó quá dài và khó hiểu. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng những chính sách này có sức mạnh tương đương với pháp luật và có thể bảo vệ bạn khi những tình huống xấu xảy ra. Chính vì vậy, trước khi sử dụng bất kì loại hình dịch vụ nào hãy dành thời gian đọc những chính sách của họ trước nhé.
Chỉ cung cấp những thông tin cần thiết nhất
Những thông tin không yêu cầu bắt buộc bạn có thể bỏ qua - Ảnh: Internet
Đôi lúc bạn không cần phải cung cấp hết toàn bộ các thông tin cá nhân của mình. Luôn có những mục không yêu cầu phải điền hoặc chỉ cần điền một phần. Khi đó, bạn có thể bỏ qua nhằm giảm đi khả năng bị người xấu gây hại khi thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài.
Lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp
Hạn chế đưa thông tin tài khoản ngân hàng cho đơn vị dịch vụ - Ảnh: Internet
Các trang web đặt phòng khách sạn của nước ngoài thường yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ tín dụng quốc tế như MasterCard hay Visa để thanh toán nên khả năng bị ăn cắp tài khoản khá cao. Do đó, bạn có thể chọn đặt phòng tại các trang web nội địa với các hình thức thanh toán mở rộng và an toàn hơn như Internet Banking, chuyển khoản hoặc thanh toán trực tiếp tại văn phòng.
Yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân
Yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân khi cần - Ảnh: Internet
Bạn có thể trực tiếp yêu cầu đơn vị đó cung cấp những thông tin họ sẽ công khai hoặc chuyển cho bên thứ ba (không bao gồm các thông tin riêng giữa họ và bên thứ ba). Chỉ cần các đơn vị luôn nghiêm túc thực hiện chính sách của mình thì không có lý do gì họ từ chối cung cấp cho bạn những thông tin của chính bạn cả.
Xử lý nhanh chóng để hạn chế tổn thất
Khóa thẻ ngay nếu bạn cảm thấy tài khoản đang gặp nguy hiểm - Ảnh: Internet
Ngay khi biết thông tin của mình có khả năng bị lộ, bạn nên nhanh chóng nghĩ phương thức ngăn chặn những mối nguy trong tương lai trước khi bất kì tình huống xấu nào xảy ra. Giả sử như thông tin thẻ của bạn bị lộ cho bên thứ ba, bạn có thể liên hệ đến ngân hàng để khóa thẻ và đề xuất với khách sạn cho bạn thanh toán bằng hình thức khác. Như thế, tiền của bạn sẽ an toàn dưới sự bảo vệ của ngân hàng, ít nhất là cho đến khi bạn trở về và mở thẻ trở lại.