Hướng dẫn hồ sơ xin cấp thị thực Mỹ loại K

Khi bạn hội đủ điều kiện xin cấp thị thực không định cư loại K, Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ sẽ gửi hồ sơ hướng dẫn xin cấp thị thực cho bạn. Hồ sơ xin cấp thị thực của bạn có thể bị huỷ bỏ nếu bạn không liên lạc với Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ trong vòng 1 năm kể từ ngày nhận được hồ sơ hướng dẫn xin cấp thị thực. Nếu muốn hoãn việc tiến hành xem xét hồ sơ, bạn phải gửi yêu cầu theo mẫu đơn trên trang web Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ.

Bạn không nên sắp xếp bất kỳ kế hoạch cố định nào cho đến khi thật sự nhận được thị thực loại K bởi không ai có thể đảm bảo rằng bạn sẽ được cấp thị thực khi đến phỏng vấn.

Các bước làm hồ sơ xin cấp thị thực loại K:

(*) Bước 1: Ngay khi nhận được hướng dẫn hồ sơ xin cấp thị thực loại K từ Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ, bạn nhanh chóng hoàn tất và nộp Mẫu đơn Trực tuyến xin Thị thực Không định cư DS-160. Sau đó, in trang xác nhận Mẫu đơn DS-160 và gửi cùng với hình làm thị thực và bản sao hộ chiếu cho mỗi thành viên trong gia đình.

  • Mẫu đơn Trực tuyến xin Thị thực Không định cư DS-160: Hoàn tất Mẫu đơn DS-160 bằng tiếng Anh cho mỗi người có tên trong thư mời phỏng vấn.
  • Hình cho thị thực: mỗi đương đơn nộp 2 tấm hình màu nguyên mặt, có ghi tên và ngày tháng năm sinh sau mỗi tấm hình.
  • Hộ chiếu: 1 bản sao hộ chiếu cho mỗi đương đơn, phải nộp hộ chiếu có hiệu lực cho tất cả đương đơn bao gồm cả trẻ em. Hộ chiếu phải có hiệu lực ít nhất 8 tháng tính từ ngày cấp thị thực.

(*) Bước 2: Thực hiện theo quy trình dưới đây:

  • In phiếu để đóng tiền xin thị thực tại ngân hàng. Mang phiếu này tới ngân hàng HSBC hoặc Bưu Điện Việt Nam ở bất kỳ địa điểm nào để đóng phí xin thị thực.
  • Đặt hẹn phỏng vấn tại ustraveldocs.com hoặc gọi điện thoại tới Tổng đài số 19006444 nếu bạn đang ở Việt Nam. Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí.

(*) Bước 3: Trước ngày hẹn phỏng vấn, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ dưới đây (bản sao và bản chính).

Tất cả những giấy tờ không phải bằng tiếng Việt hay tiếng Anh phải được dịch sang tiếng Anh và công chứng. Người dịch thuật phải đảm bảo có đủ khả năng pháp lý để dịch và thông tin dịch thuật phải chính xác. Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ sẽ hoàn trả giấy tờ bản chính cho bạn sau khi phỏng vấn.

  • Hình thị thực: 2 hình màu nguyên mặt đối với mỗi đương đơn, có tên và ngày tháng năm sinh phía sau mỗi tấm hình.
  • Chứng minh nhân dân: Bản chính và bản sao.
  • Hộ chiếu: Bản chính và bản sao hộ chiếu còn hiệu lực đối với tất cả các đương đơn, cả trẻ em đi cùng với cha mẹ. Hộ chiếu phải còn hiệu lực ít nhất 8 tháng kể từ ngày cấp thị thực.
  • Hộ khẩu: Bản chính và bản sao.
  • Giấy khai sinh: Bản chính và bản sao giấy khai sinh của người bảo lãnh và của mỗi đương đơn. Trong trường hợp không có giấy khai sinh của người bảo lãnh, viên chức lãnh sự sẽ xem xét từng trường hợp và hướng dẫn thêm cho đương đơn khi phỏng vấn. Nếu bạn là con nuôi hoặc có nhận con nuôi, bạn sẽ phải nộp thêm giấy cho nhận con nuôi hợp pháp.
  • Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân:
  1. Bản chính và bản sao giấy chứng nhận kết hôn (nếu bạn xin thị thực diện K-3).
  2. Bản chính và bản sao bằng chứng hợp pháp về việc chấm dứt hôn nhân trước đây của bạn như: Giấy ly hôn hoặc Giấy chứng tử của vợ/ chồng cũ (nếu có).
  3. Bản chính và bản sao bằng chứng hợp pháp về việc chấm dứt hôn nhân trước đây của người bảo lãnh như: Giấy ly hôn hoặc Giấy chứng tử của vợ/ chồng cũ (nếu có).
  • Bản chính Phiếu Lý lịch tư pháp số 2: Lý lịch tư pháp số 2 được cấp trong vòng một năm bởi Sở Tư Pháp tỉnh/ thành phố nơi bạn đang sinh sống hoặc nơi bạn cư trú hợp pháp theo Hộ khẩu, được yêu cầu đối với mỗi đương đơn visa từ 16 tuổi trở lên.
  • Bản chính Trích lục tư pháp của cảnh sát nước ngoài (nếu có): Đối với đương đơn visa từ 16 tuổi trở lên, phải nộp Trích lục tư pháp được cấp ở tất cả các quốc gia NGOÀI Việt Nam nơi đương đơn đã cư trú ít nhất 6 tháng kể từ khi đủ 16 tuổi.
  • Hồ sơ tiền án tiền sự: bản chính và bản sao (nếu có): Người từng bị kết án phải nộp bản sao có công chứng của mỗi án tích và bất kỳ án tù nào, cho dù sau đó được hưởng những ân xá hay bất kỳ hình thức khoan hồng nào khác. Các án tích cần bao gồm đầy đủ thông tin về các tình tiết liên quan đến việc phạm tội và phán quyết của toà, bao gồm bản án, hình phạt hay các hình thức phạt tiền mà người bị kết án buộc phải thi hành.
  • Hồ sơ quân đội bản sao (nếu có): Người đã từng phục vụ trong quân đội ở bất kỳ quốc gia nào đều phải nộp 1 bản sao hồ sơ quân đội của mình.
  • Hồ sơ bảo trợ tài chính: Người bảo lãnh phải điền đầy đủ thông tin, ký tên và nộp bản chính mẫu đơn bảo trợ tài chính (mẫu I-134) cho đương đơn chính và một bản sao cho mỗi đương đơn phụ thuộc sẽ cùng đi đến Mỹ với đương đơn chính. Bản chính của mẫu I-134 phải đi kèm giấy thuế hoàn chỉnh của người bảo lãnh trong năm gần nhất. Tốt hơn hết là bản khai thuế thu nhập hoàn chỉnh do Sở Thuế Liên Bang (IRS) cấp (trước đây là mẫu 1722). Tuy nhiên, mẫu W-2 và bản khai thuế liên bang (mẫu 1040), bao gồm đầy đủ các trang thuế liên quan, có thể được chấp nhận trong một vài trường hợp.
  • Đối với trường hợp có người đồng tài trợ: Ngoài những giấy tờ tài chính nêu trên, phải nộp thêm bằng chứng về tình trạng cư ngụ hợp pháp tại Hoa Kỳ như một bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu, giấy nhập tịch, hoặc thẻ thường trú nhân. Viên chức sẽ quyết định vào buổi phỏng vấn xem có chấp nhận người đồng tài trợ hay không.
  • Bằng chứng về mối quan hệ: bạn cần chuẩn bị toàn bộ bằng chứng liên quan để chứng minh mối quan hệ của mình với người bảo lãnh và với các thành viên phụ thuộc trong gia đình đi cùng (nếu có):

Đề tên và ghi rõ từng mục theo trình tự thời gian và phân thành hai nhóm: trước và sau khi đính hôn hoặc kết hôn.

  1. Bằng chứng có thể bao gồm nhưng không giới hạn riêng các hình ảnh, thư từ, hoá đơn điện thoại và những bằng chứng có liên quan khác để hỗ trợ việc chứng minh với viên chức lãnh sự về mối quan hệ thực sự của bạn với người bảo lãnh (phải lấy hình ảnh ra khỏi album và chỉ mang theo những hình ảnh rời)
  2. Bằng chứng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có thể bao gồm sổ đăng ký hộ khẩu cũ, học bạ cũ, hình ảnh cũ, giấy chứng sinh của bệnh viện, sổ gia đình công giáo…

(*) Bước 4: Ngay sau khi hoàn tất việc đặt hẹn phỏng vấn trên mạng và in ra Giấy Xác nhận Đăng ký Hẹn Phỏng vấn, bạn phải đi khám sức khoẻ tại các phòng khám do Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ chỉ định, mang theo Giấy Xác nhận Đăng ký Hẹn Phỏng vấn cùng với lá thư Bộ hướng dẫn có số hồ sơ nhận được từ Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ.

Bạn thực hiện:

1. Khám sức khoẻ: Bạn phải khám sức khoẻ trước khi đi chích ngừa. Thông thường kết quả khám sức khỏe sẽ có trong vòng 2 ngày. Khi đến phòng khám, bạn cần mang theo Giấy Xác nhận Đăng ký Hẹn Phỏng vấn cùng với lá thư Bộ hướng dẫn có số hồ sơ nhận được từ Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Mỹ, hộ chiếu, 2 tấm hình thị thực và lệ phí. Lệ phí khám sức khoẻ là 155 USD/người lớn và 120 USD/trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ chấp nhận VND. Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) chấp nhận VND hoặc USD. Dưới đây là địa chỉ các phòng khám:

- Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Khám Xuất cảnh

201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh

- Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM)

1B Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

Tầng 12A, Tòa nhà CMC, Duy Tân, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

2. Chích ngừa: Sau khi hoàn tất việc khám sức khoẻ, bạn sẽ được yêu cầu chích ngừa. Lệ phí tùy thuộc vào độ tuổi và các loại chích ngừa được yêu cầu. Khi đến bạn cần đem theo tất cả hồ sơ chích ngừa trước đó.

Địa chỉ các nơi chích ngừa:

- Trung tâm Kiểm dịch Quốc tế - Thành Phố Hồ Chí Minh

40 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh

- Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Hà Nội

55 Yên Ninh, Quận Ba Đình, Hà Nội

(*) Bước 5: Khi đến dự phỏng vấn vào ngày đã đặt hẹn, bạn đừng quên mang theo Giấy Xác nhận Đăng ký Hẹn Phỏng vấn cùng với những giấy tờ được nêu ở trên.

(Theo website Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ)

Vietnam Booking 16:32 28/12/2015 | 33 lượt xem